Can thiệp sớm theo nhóm lớp

Can thiệp sớm theo nhóm lớp

Ngoài chương trình can thiệp cá nhân thì can thiệp theo nhóm lớp được đánh giá là thế mạnh của Cầu Vồng Xanh so với các đơn vị khác trên địa bàn.

Một ngày hoạt động của trẻ ở nhóm lớp thường được giáo viên cùng ban Ban GH lên kế hoạch, mục tiêu rất rõ ràng, khoa học. Ngoài giờ ăn ngủ, đón trả trẻ theo quy định thì mỗi ngày trẻ được học 1 tiết học cá nhân trong nhóm nhỏ can thiệp các kỹ năng (một cô - một trò), 2 giờ học nhóm lớp chia theo sáng, chiều với các trò chơi có định hướng hay hoạt động tập thể. Với những trẻ tham gia trị liệu cá nhân thì được đón đi học xen kẽ trong các giờ để đảm bảo mọi giờ học ở lớp được tham gia đầy đủ.

Cầu Vồng Xanh đang áp dụng hình thức can thiệp cá nhân trong nhóm và can thiệp nhóm. Can thiệp cá nhân trong nhóm nhằm giúp trẻ có liên hệ và giao tiếp với người dạy, nhất là trong giai đoạn trẻ mới đi học và chưa quen với sinh hoạt tập thể. Đặc biệt giúp trẻ học những kỹ năng thiếu hụt một cách nhanh nhất và có cơ hội phát triển kỹ năng học tập, rèn luyện sự tập trung chú ý, giảm thiểu hành vi không mong muốn, có được sự tự tin trong các tình huống.

Ở giờ học cá nhân trong nhóm, giáo viên giới thiệu cho trẻ kỹ năng học. Tùy khả năng của từng trẻ mà giáo viên cho trẻ lựa chọn hoặc tự lấy/nói tranh biểu tượng về các kỹ năng. Thường cô để trẻ tự lựa chọn ảnh của mình, nếu trẻ chọn sai sẽ được cô hướng dẫn đến khi thành thạo. Sau đó, cô giáo giới thiệu nội dung giờ học dựa trên thông tin trên thẻ tranh, sau giờ học trẻ thường chơi tương tác để phát triển các kỹ năng. Kết thúc giờ dạy, giáo viên cũng báo hiệu cho trẻ bằng cách để cho trẻ úp hoặc cất tranh biểu tượng, ảnh của trẻ. Cuối cùng giáo viên nhận xét và củng cố giờ học.

Can thiệp nhóm giúp trẻ duy trì và phát triển kỹ năng cơ bản, cần thiết ở môi trường rộng hơn – thường khó khăn với các bạn tự kỷ. Theo các nhà chuyên môn thì can thiệp nhóm rất quan trọng với trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, bởi thông qua các hoạt động nhóm ở lớp, trẻ có thể giao tiếp với đa đối tượng giao tiếp và nắm bắt được một số kỹ năng cơ bản như giao tiếp mắt, bắt chước, chú ý, học cách chơi tập thể, chờ đợi, nhận lượt, luân phiên, điều phối và phát triển nhận thức về bản thân, về người khác, về các sự vật, hiện tượng, quy tắc từ môi trường xung quanh. Trẻ còn có được sự tự tin từ việc trải nghiệm và xử lý những tình huống mới, tăng thêm tính sáng tạo, chủ động.

Thông thường trong những giờ học nhóm, tùy khả năng của từng trẻ, giáo viên giới thiệu kỹ năng học cho nhóm trẻ và từng trẻ theo chương trình, mục tiêu đã định. Giáo viên thường khởi động tiết học bằng một trò chơi để gây hứng thú trực tiếp hoặc gián tiếp, rồi giới thiệu nội dung giờ học. Sau đó giáo viên tiến hành giờ dạy lồng ghép trò chơi chuyển tiếp và trò chơi học tập. Giáo viên sử dụng máy vi tính, tranh ảnh, sa bàn, chơi vận động… để trẻ tương tác với nhau hay tương tác cá nhân giữa trẻ với cô.

Thực tế, có những trẻ tự kỷ, KTTT tiếp thu, tương tác rất tốt ở những tiết học trị liệu cá nhân như trị liệu giác quan, PHCN, trị liệu ngôn ngữ...nhưng khi xuống lớp học nhóm thì không tương tác hay thiếu hụt các kỹ năng tương tác nhóm. Vì vậy, việc can thiệp cá nhân và nhóm cần phải song hành với nhau thì trẻ mới có thể tiến bộ về nhận thức, giao tiếp cũng như các kỹ năng khác ở mức độ tối ưu nhất để trẻ có thể hòa nhập với môi trường xung quanh.

Can thiệp sớm theo nhóm kết hợp với trị liệu cá nhân giúp trẻ tự kỷ, KTTT phát triển các kỹ năng như vận động thô, vận động tinh, tự lập, ngôn ngữ và kỹ năng xã hội, kỹ năng chơi thông qua giờ học, giờ chơi có định hướng, hoạt động tập thể…. Các kỹ năng này đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, mỗi trẻ tự kỷ, KTTT phát triển các kỹ năng khác nhau, mức độ khác nhau nên giáo viên, nhà trị liệu cũng như phụ huynh cần nắm bắt để can thiệp kịp thời những khiếm khuyết của trẻ, giúp trẻ tiến bộ.

Hầu hết trẻ tự kỷ, KTTT lúc mới vào trường chưa biết nhiều, thích chơi một mình, sợ hãi, không tương tác, không tự chủ bản thân nhưng sau một thời gian can thiệp, bạn nhẹ thì năm bảy tháng, bạn nặng thì vài năm đã có thể nói được từ đơn, tương tác tốt, tiến bộ ở hầu hết các kỹ năng. Nhiều trẻ đã đi học hòa nhập ở nhiều cấp học....

Bởi vậy, những phụ huynh không may có con mắc chứng tự kỷ, KTTT thì đừng thất vọng hay sớm đầu hàng số phận mà hãy kiên trì đồng hành cùng trẻ. Nếu trẻ tự kỷ, KTTT được can thiệp đúng cách, đúng kỹ năng, đúng thời điểm, đúng địa chỉ có chất lượng sẽ giúp đánh thức được những tiềm năng ở trẻ mà tưởng chừng đã ngủ yên, dần dần hoàn thiện các kỹ năng ở mức độ tối ưu nhất để hòa nhập cuộc sống, trở thành người gần như bình thường, sống tự lập, có ích, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.